PHẠM PHƯƠNG LOAN LÀ AI? |BÀI 01

Tình yêu chung về văn hóa và niềm đam mê về thức ăn ngon đã tạo ra một sợi dây liên kết chặt chẽ giữa Nó và Tôm Hùm.

Mình là Phạm Phương Loan tên cún cơm, mọi người hay gọi mình là Bé Tôm. Bé Tôm đến từ Cam Ranh- vùng đất đầy nắng và gió.

Hình 1: Phạm Phương Loan – Bé Tôm

Nơi đây người dân sống chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên biển. Ngày xưa nhà Tôm nghèo lắm, cũng như bao ngư dân khác ông nội sống nhờ vào mớ tôm cua cá đi biển đánh lưới mang về, nơi Tôm ở gọi là “đi nhá, đi câu”. Sau đó, nội theo các chú học nuôi Tôm Hùm tự nhiên bằng lồng bè thả giữa biển. Và từ đó Nội truyền nghề lại cho Ba và các cô dượng luôn.

Hình 2: Bé Tôm cùng các bạn tôm hùm tại Cam Ranh, Khánh Hòa

Thức ăn của Tôm Hùm mắc lắm, tôm hùm chỉ ăn đồ “xịn” là cá, cua, ghẹ, ốc, vẹm, dẻ áo thôi, chính vì thế Ba và nội ban đêm đi nhá để kiếm thức ăn cho Tôm Hùm. Đi biển ban đêm cực lắm, cứ nghĩ tối là lúc nhà nhà được ôm nhau chui rúc trong tấm chăn, còn Ba thì phải ở giữa biển lạnh lẽo,… Được hôm sóng yên biển lặng Ba bắt được nhiều cá hơn thì Nó lại có cơ hội cùng Mẹ mang cá ra chợ bán, để có thêm tiền mua rau và chi phí sinh hoạt cho cả nhà. Có lẽ máu kinh doanh đã được nhen nhóm từ dạo nó phụ mẹ bán cá.

Ai khi sinh ra cũng có một dòng sông tuổi thơ, Và Tôm cũng có riêng một bầu trời tuổi thơ của riêng mình suốt 12 năm đèn sách tại quê nhà cùng những buổi chiều mò nghêu bắt ốc cùng ba và anh Hai. Nó nhớ như in cái giây phút Ba cầm trên tay tờ giấy báo đậu đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh của cô con gái nhỏ, Ba vui lắm. Mục tiêu đậu đại học suốt 12 năm đèn sách của Nó cuối cùng đã đạt được.

Hình 3: Phương Loan tốt nghiệp lớp 12 tại THPT Ngô Gia Tự 2014

Bé Tôm vô Sài Gòn

Những ngày đầu tại Sài Gòn Nó nhớ nhà da diết. Lần đầu tiên Nó đón trung thu một mình, Nó lủi thủi ngắm trăng trên sân thượng của một tòa nhà xa lạ mà nhớ cái lồng đèn bằng lon anh Hai làm cho Nó ghê gớm. Đêm ấy, Nó khóc nhiều lắm, nhưng không gọi về nhà như những lần trước. Sau đêm Trăng tròn năm ấy, Nó tự nhủ: “Sài Gòn Nó chỉ có một mình, nên từ giờ mình phải thật mạnh mẽ, phải chăm sóc mình thật tốt để Ba mẹ không lo lắng, và phải học thật giỏi để nhanh giúp cho Ba Mẹ đỡ cực.”

Để phụ Ba Mẹ trang trải sinh hoạt phí. Nó quyết định dấu ba mẹ đi làm thêm, với các việc từ chân tay đến trí thức. Từ phục vụ bàn đến phát tờ rơi đến làm gia sư. Đứng dưới cái nắng Sài Thành chói chang mà Nó nhớ cái nắng gay gắt của biển Cam Ranh. Nó lại thấu hiểu thêm một chút nỗi khổ của Ba Mẹ, mà dặn lòng phải cố gắng.

Hình 4: Bé Tôm tham gia các công việc làm thêm

Tôm quay lại Giảng đường Kinh tế

Sau một năm đi làm trong thời gian bảo lưu đại học, Nó nhận ra rằng muốn nhanh có nhiều tiền để giúp Ba Mẹ, thì phải học thật giỏi để có kiến thức, có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thành thạo. Chỉ có vậy mới đạt được vị trí cao hơn, mức thu nhập tốt hơn trong công việc. Nó quyết định quay về lấy tấm bằng cử nhân Kinh tế. Lần trở lại này Nó mạnh mẽ và quyết đoán hơn rất nhiều, Nó nuôi 2 mục tiêu:

Một là tốt nghiệp Ngành Kinh Doanh Quốc Tế- Vì sau này Nó muốn là một doanh nhân thành công không những trong nước mà còn quốc tế. Hai là đi học cao học tại Mỹ- nơi mà Nó đã bị té một năm trước khi nhận được giấy nhập học từ trường đại học bên Mỹ, nhưng lại không lấy được Visa Mỹ, để được như vậy Nó phải có bằng IELTS và giao tiếp chuẩn TÂY.

Năm thứ hai và thứ ba đại học Nó làm trợ lý giám đốc của chị Trang tại công ty xuất khẩu cao su – Công ty con của Tập Đoàn VRG Nhật Bản. Chính tại nơi này đã dạy Nó rất nhiều: từ cách hoàn thành một bộ chứng từ xuất khẩu đầy đủ, cách làm việc với ngân hàng về các hình thức thanh toán LC hay TT; cách quản lý sổ sách đến cách sắp xếp văn phòng, cách tuyển dụng, phỏng vấn và đặc biệt cách “tiếp khách”, chốt deal với đối tác nước ngoài, tinh thần trách nhiệm trong công việc, bằng cách này hay cách khác đơn hàng phải được đưa lên container kịp giờ.

Hình 5: Phương Loan trong suốt 2 năm làm văn phòng

Năm thứ tư đại học, vì làm đồ án tốt nghiệp yêu cầu công ty thành lập trên 5 năm, nên Nó xin làm việc tại Tập đoàn quốc tế về cung ứng dịch vụ ô tô Avis của Hoa Kì. Là sinh viên năm Tư, nhưng Nó không xin vào với vị trí thực tập sinh như các bạn cùng trang lứa, mà Nó nộp hồ sơ ứng tuyển với vị trí nhân viên chính thức hưởng lương cứng. Sau khi tham gia 3 vòng phỏng vấn Nó đảm nhận vị trí quan hệ khách hàng Level 2 với mức lương cơ bản 8 triệu, và được dẫn dắt bởi anh Đức- lúc này đang là giám đốc kinh doanh 3 miền Bắc Trung Nam của Avis.

Hình 6 : Phương Loan và các anh chị đồng nghiệp

Và để thực hiện mục tiêu thứ Hai, trong suốt 4 năm mỗi cuối tuần, mỗi ngày lễ là Nó lại đi làm Tour Guide hướng dẫn viên du lịch cho Tây Ba Lô và học IELTS mỗi tối. Nó vừa học vừa làm miệt mài như thế cho đến ngày Nó tốt nghiệp đại học. Thời gian thật sự trôi rất nhanh, bất giác khi Nó ngoảnh nhìn lại thì 5 năm đã trôi qua rồi.

Ngày tốt nghiệp, Ba Mẹ và bạn bè đến chúc mừng, cảm giác Nó rất vui và hạnh phúc vì bên mình lúc nào cũng có gia đình đồng hành. Và niềm vui lớn hơn là Nó lại gần đi cao học tại Mỹ- Nơi mà Nó nghĩ là sự lựa chọn tốt nhất để có mức thu nhập ngàn đô.

Hình 7 : Phương Loan và Ba Mẹ tại lễ tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM

Nhưng!!!!

Sau ngày tốt nghiệp, Nó gặp phải tai nạn xe bị chấn thương vai trái và hai chân nên không thể tự đi lại được suốt 2 tháng, Nó được đưa về Cam Ranh. Trong thời gian đó Nó như bất lực, hàng loạt suy nghĩ ùa về ào ạt:

“Nếu lỡ sau này mình cũng bị tai nạn như vầy, không đi được, thì lương đâu gửi về cho ba mẹ, tiền đâu tự nuôi thân?”

“Mình đi cao học về lương sẽ cao hơn, nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào người khác, nếu không đi làm được, vẫn sẽ không có lương.”

“Có công việc nào mà dù đi đâu làm gì mình vẫn có thể quản lý được và vẫn có tiền hay không?”

Những ngày không đi lại được, Nó chỉ đọc sách và ngồi ngắm những vỏ Tôm Hùm mỗi lần Ba và anh Hai đi biển mang về. Và dần như vỡ ra điều gì đó: Nếu đi học cao học sẽ mất ba năm nữa, có kiến thức, lương cao nhưng vẫn làm công cho người ta thôi.

Vô tình Tôm đọc cuốn sách “Vượt Biến Lớn” và nhận ra hình bóng mình đâu đấy lúc ẩn lúc hiện trong câu chuyện và: “Chú Duy cùng quê Cam Ranh với mình, Chú Duy làm được, Mình cũng làm được. Ngày đó mình bán vỏ Tôm Hùm có tiền mua sách, thì giờ bán con Tôm Hùm có cả vỏ lẫn ruột luôn để phụ giúp ba mẹ đỡ cực hơn khi về già!”

Hình 8 : Bé Tôm ra bè tôm hùm cho tôm hùm ăn cùng dượng

Nó bắt đầu hỏi Ba, hỏi mọi người về cách chăm sóc Tôm Hùm, và các thông tin cần thiết để rồi Nó chọn cùng với Tôm Hùm làm một chuyện đại sự thật ý nghĩa. Cơ mà Nó bí mật với Ba Mẹ và anh Hai. Vì cơ bản Nó luôn biết, Ba sẽ chẳng bao giờ đồng ý cho Nó nghỉ việc công ty thiệt tốt để đi bán từng con tôm hùm, kiếm từng đồng lẻ đâu.

Ngày tự đứng dậy đi được, việc đầu tiên là viết đơn xin nghỉ việc tại Avis. Thứ hai là đóng lại hồ sơ phỏng vấn xin Visa Mỹ đi học cao học. Và quan trọng nhất là đi học kinh doanh tại lớp của Thầy Nguyễn Thái Duy – Vườn Ươm Doanh Nhân BE Training.

Bé Tôm gặp được Thầy Duy – người giúp Tôm ra quyết định đánh dấu cột mốc tuổi 23

Quay lại Sài Gòn là lúc Nó không có mối quan hệ nào, ngân sách Nó có trong tài khoản giành dụm suốt thời gian đi làm thêm cũng không được bao nhiêu,… Nó phải vừa làmvừa học để trang trải phòng trọ trong khi chưa có nguồn thu vô mỗi tháng, rồi ăn uống, sinh hoạt nữa chứ…. được cái Nó có thời gian, Nó giành hết thời gian, sức lực và tinh thần cho Tôm Hùm. Lúc ấy, Nó đã tìm hiểu ra được rằng muốn khởi nghiệp bài bản, cho ra ngô ra khoai thì Nó phải đi học, học kinh doanh, học nền tảng xây dựng một doanh nghiệp bài bản. Làm đúng ngay ban đầu sẽ dễ hơn rất nhiều so với làm sai và sau đó sửa lại.

Lần đầu gặp Thầy Duy tại lớp BE, Nó hỏi Thầy: Nhắc đến cua người ta nghĩ ngay đến Phong Cua, Phương Loan muốn một ngày nào đó, nhắc đến Tôm Hùm người ta sẽ nghĩ  ngay đến cái tên Phương Loan, như vậy được không Thầy?” Ngày đó Thầy nói rằng: “Bé này có định hướng rõ ràng cộng với nguồn gốc Tôm Hùm nhà nuôi, chỉ cần đi đúng bài, bé sẽ sớm làm được.”

Hình 9 : Bé Tôm và Thầy Nguyễn Thái Duy

Từ sau buổi Nói chuyện với Thầy hôm ấy, tất cả những gì được dạy trên lớp Nó hệ thống lại từ đầu đến cuối theo thứ tự để thực hiện từng việc một và Thầy nói đến đâu Nó làm đến đó. Khách hàng lớn đầu tiên là nhà hàng to bự tại quận 5 yêu cầu là phải có giấy phép thành lập công ty và mã số thuế,…thế là Nó thành lập công ty và quyết đi đến cùng nên Nó đã hoàn tất luôn các thủ tục pháp lý cho BETOM về giấy phép kinh doanh, về tên thương hiệu, về thuế.

Hình 10: Bé Tôm Sau 2 tháng khởi nghiệp

Tuần thứ nhất sau khi đi học, Nó ra được bộ nhận diện thương hiệu và đến buổi học thứ 2 Nó đã trang bị đủ hành trang bán hàng: name card, voucher tặng khách,…và đi đâu gặp anh chị mới Nó cũng chủ động bắt chuyện gửi name card, xin số điện thoại, kết nối facebook,… nhờ những ngày lăn xả không biết mọi ấy, nhờ tranh thủ tận dụng thời gian tối đa trên lớp mà giờ Nó được kết nối và học hỏi kinh nghiệm đi trước trong quá trình kinh doanh từ các anh chị ; Và đặc biệt là cũng đã trở thành khách hàng VIP của BETOM , Cộng Tác Viên của BETOM và giới thiệu BETOM đến với rất nhiều hệ sinh thái khách hàng khác.  Nó được tâm sự rằng: “Em là vị khách hàng nhỏ tuổi nhất với đơn hàng nhỏ nhất mà công ty anh từng làm.” Và sau khi tìm hiểu đúng là công ty, xưởng sản xuất của các anh chị thuộc tầm khách hàng trăm triệu là tối thiểu,…“ Vì anh chị quý tính em và năng lượng khởi nghiệp của cô bé từ tỉnh lẻ như em.”

Từ lúc bắt đầu, Nó chỉ là một cô bé vừa tốt nghiệp tay không có đồng nào cho đến hiện tại Nó có kiến thức về kinh doanh: Marketing, Sale, quản lý tài chính, quản trị nhân sự, vận hành doanh nghiệp; hơn hết nó có một niềm đam mê mãnh liệt với Tôm Hùm. Đủ điều kiện cần để Nó bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho đứa con tinh thần của mình – Tôm Hùm BETOM.

Ngày mà Tôm cầm trên tay tờ Khai sinh CTCP FALOCA thương hiệu Tôm Hùm BETOM trong lòng rưng rưng 2 dòng lệ. Hôm ấy Tôm khóc, khóc vì mình đã có tài sản riêng, lần đầu mình làm được điều gì đó mang tính quyết định vĩ đại- ít nhất là đối với chính mình. Khóc vì từ giờ Nó có trách nhiệm hơn, ý thức hơn, vì giờ Nó biết Nó có “con” rồi. Tự biết rằng lúc này mình phải thực sự trưởng thành để chăm sóc tốt cho chính mình và cho cả BETOM. 

FALOCA là Family Lobster Cam Ranh (gia đình Tôm Hùm Cam Ranh) để nhắc Nó nhớ nhờ có Tôm Hùm mà Ba Mẹ có mái nhà khang trang, gia đình Nó được ấm no hạnh phúc suốt bao năm qua và anh em Nó được ăn học đủ đầy. Chính vì điều này Nó muốn phát triển và nhân rộng Tôm Hùm Cam Ranh để mãi nhớ ơn ba mẹ một đời sương gió với nghề nuôi Tôm Hùm tại quê nhà.

Và hơn thế, thực sự để có được trên tay Tôm Hùm nặng 1kg, người dân nuôi Tôm Hùm phải bỏ bao tâm tư, mồ hôi, nước mắt và có người còn mất đi sinh mạng của mình; thời gian nuôi Tôm Hùm từ 10 đến 18 tháng, thời gian dài đằng đẵng. Nhưng khi thu hoạch lại bị thương lái từ Trung Quốc ép giá. Chẳng lẽ cứ như vậy hoài sao, phải có cách gì đó để nâng tầm thương hiệu Tôm Hùm Việt Nam, có như vậy giá Tôm Hùm mới cao hơn được. Bằng cách nào đó ngư dân sống bằng nghề nuôi Tôm Hùm tại Cam Ranh nói riêng và Việt Nam nói chung phải nhận được mức thu nhập xứng đáng.

BETOM chính là BE Training và TÔM HÙM để nhắc Nó nhớ, nơi thay đổi cuộc đời, thay đổi tư duy từ một cô bé nhân viên văn phòng lương Hai chữ số đến chủ doanh nghiệp BETOM sở hữu hợp đồng Tôm Hùm 9 chữ số hiện tại… chính là BE TRAINING. Hơn thế,

 BE chính là Begin – Nơi nó chính thức đánh dấu bước ngoặc cuộc đời và tự tạo ra sân chơi cho riêng mình, bắt đầu khởi sự kinh doanh.

TOM chính là Technology nền tảng công nghệ số mà nó sẽ nghiên cứu và áp dụng để quản lý, vận hành và phát triển BETOM; O-Origina nguồn gốc Tôm Hùm từ chính quê nhà mà đang là thế mạnh của Nó; M-Manager quản lý mô hình khởi nghiệp chuyên tôm hùm theo kiểu mới được vận hành bởi cô chủ nhỏ 9x.

Khởi nghiệp mùa dịch là cơ hội hay là thách thức. Với Nó và BETOM là cơ hội.

Bill Gates Nói: “Nếu bạn không xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”.

Biết khởi nghiệp sẽ rất khó, nhưng Nó không ngờ là khó đến thế, ngày đi học, để đạt danh hiệu học sinh giỏi thì tất cả các môn đều phải trên 8 phẩy đã khó, Và để được vừa học sinh giỏi, vừa được thi thi đội tuyển thành phố thì còn khó hơn… vì bao bạn học của Nó đều làm được khác làm được, vậy Nó cũng làm được.

Thì bây giờ khi phải cân việc từ chăm sóc khách hàng, Marketing, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, chưa kể quản lý dòng tiền và nhà cung cấp Tôm Hùm đầu vào đúng chất lượng, số lượng; xây dựng mối quan hệ với các đối tác, khách hàng và cả thời gian xây dựng kế hoạch chăm sức khỏe và học thêm kiến thức kinh doanh,… thực sự thời gian đầu Nó bị choáng, bị ngợp vì tất cả. Nhưng vẫn cùng một cái tính cứng đầu, ngày ấy Mình làm được. Và hiện tại rất nhiều starters bằng tuổi như mình đã làm được,Why not me???

Rồi Nó cứ đi, đi đến nơi Nó đứng hiện tại. 

Trong mấy tháng đầu, hì hục tuyển nhân viên, nhưng được vài ngày các bạn đã nghỉ. Vì chưa biết cách quản lý nhân sự, vì tâm lý các bạn trẻ thích một môi trường “Tây”hơn chăng. Vì chưa tìm được thành viên cùng chí hướng,…Và sau nhiều lần tuyển, đào tạo,… Và rồi sau 2 tháng Nó cũng có được 2 bạn ứng viên đầu tiên làm suốt 1 năm trời.

Hình 12 : Hai nhân viên đầu tiên tại BETOM

Từ tháng 9/2019 đến tháng 1/2021 Nó không hề được nhận lương, và hầu như tháng nào cũng âm dòng tiền,…không phải vì không có khách, mà vì các hoạt động duy trì nguồn lực công ty, và 60% nguồn lực Nó dồn vô marketing, xây một hệ thống marketing bài bản, chỉnh chu,…20% Nó dồn vô chăm sóc khách hàng, 10% nghiên cứu thị trường và 10% sale, nên doanh thu về ít. Khi tập trung vô cái gì, cái ấy sẽ phát triển và sự thật nó là như vậy.

Đường Nó chọn lúc ấy là nhà phân phối sỉ Tôm Hùm, nguồn vốn không có, công nợ lại ít nhất 30-45 ngày cho một đơn hàng tối thiểu 100kg Tôm Hùm trị giá từ 48 triệu đối với Tôm Hùm cấp đông, 65 triệu đối với Tôm Hùm ngợp và 112 triệu đối với dòng Tôm Hùm sống; yêu cầu cọc 80% thì khách hàng không chịu. Nếu như chỉ là Tôm Hùm được nuôi trồng bằng hệ thống lồng bè không, thì với thế mạnh này, không phải là yếu tố then chốt để các nhà hàng, khách sạn lớn chấp nhận kí hợp đồng với BETOM.

BETOM bước chân vô sau, là đàn em dạng con cháu trong thị trường hải sản nói chung và ngách Tôm Hùm nói riêng, đi gặp và làm việc cùng các anh chị, Nó luôn xem các anh chị đi trước là công ty đối tác chứ không phải là đối thủ cạnh tranh, và chính cái tư duy này đã giúp Nó nhận ra nhiều bài học đắt giá khi ngồi nghe các anh chị chia sẻ:

Đưa Tôm Hùm Việt Nam ra quốc tế khó lắm em. Ban đầu nhiều người bắt đầu cũng muốn như em, mà mấy chục năm rồi có ai làm được đâu. Họ có vốn mạnh, có quan hệ mà còn chưa làm được. Sao em làm được. Khó lắm em, em nên chọn nhánh khác đi.

Hình 13: Phương Loan và anh Phong CEO Thế Giới Hải Sản tại HCM

Nhưng vẫn bản tính cứng đầu, cố chấp,…mà từ nhỏ Phụ huynh Nó đã đặt cho cái tên Hùm Lì. Đúng Nó lì thật, Nó nghe chia sẻ để học hỏi và chọn quyết định cuối cùng Nó vẫn tin vào con đường Nó chọn. Chưa làm được không có nghĩa là không làm được.

Đầu năm 2021, sau dịp tết, tình hình covid đã bắt đầu biến chuyển, các nhà hàng, quán hải sản mà Nó cung cấp Tôm Hùm đã ngưng dần, số lượng ít đi thấy rõ, được các anh chị quản lý chia sẻ chân tình: “Covid không biết trở lại khi nào nữa em, mà hàng Tôm Hùm giá trị cao quá, đâu có trữ sẵn được.”; Cộng thêm nhiều lời bàn ra “Em khởi nghiệp cái gì cũng không mà chọn ngay cái sản phẩm “ đại gia” mới dung, mà trứng ngay cái Chị Cô Vy ghé thăm; Thôi đóng cửa công ty đợi hết dịch làm cái khác đi em”

Là năm bước sang tuổi thứ 2, mới đi được 1 năm. Thời gian 1 năm mới cho BETOM thời gian xây nền móng cơ bản, hoàn thành bộ khung kinh doanh cơ bản chứ hoàn toàn chưa có lợi nhuận, tháng nào huề vốn đã là rất may với BETOM ở thời điểm hiện tại rồi, ấy vậy mà dịch đến lại bóp chặt, lại Nó thêm thoi thóp.

Và từ tháng 5/2021-tháng 10/2021, suốt 5 tháng mà Việt Nam rơi vào trạng thái Dịch Covid tràn lan, mỗi ngày đều có hàng ngàn lượt dương tính khác nhau, và HCM là vùng trung tâm dịch đáng lo ngại nhất,…Và tin được không khi 4 tháng ấy chính là 4 tháng chuyển mình, 4 tháng dòng tiền dương thật sự. Là bước ngoặc để Nó quyết định chuyển mình thay áo mới cho BETOM.

Cơ may là trong lúc Nó bế tắc nhất từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2021, như ngọn cỏ dại có thể vươn mình cố gắng đâm thủng nền đá để được ngoi lên,..một tia sáng như lói lên trong đầu Nó, trước giờ Nó chỉ phân phối Tôm Hùm sống sỉ & lẻ, và rất nhiều khách hàng lẻ order Tôm Hùm về nhà lại rất khó chế biến, hầu như là chỉ hấp thôi, vì ngoài hấp ra hông biết làm sao cho đơn giản mà ngon.“ Sao mình không thử chế biến sẵn cho khách ta?”; nếu như vậy mình sẽ liên hệ lại các khách cũ muốn mình chế biến để hỏi xem nếu mình chế biến sẵn theo yêu cầu họ có ủng hộ không? Nói là làm liền, Nó bắt đầu những tin nhắn đầu tiên và những cuộc gọi sau đó đi kèm để hỏi ý khách, và Nó nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

HÌnh 15 : Tôm Hùm Bông Hấp tại BETOM

Ngay tối đó Nó nghiên cứu, tìm hiểu các món Tôm Hùm, gọi và hẹn gặp các sư quynh trong ngành để học hỏi và tham khảo khâu đóng gói, chế biến và bảo quản đảm bảo chất lượng khi món đến tay khách. Ban đầu Nó chỉ có hấp, thêm nướng phô mai,… Nó bán hai món này gần 5 tháng, và việc chế biến này giúp Nó tiếp cận nhiều khách hàng lẻ hơn.

Cứ thế đến tháng 4/2021, chính xác là 28/4/2021 khi mà trước các đợt chỉ thị ùa về, Nó trả mặt bằng tại Quận 3 Hồ Chí Minh, vì muốn mở rộng thêm khu bếp và kho để tiện cho viêc chế biến, đóng gói tập trung bên mảng F&B nhánh Tôm Hùm, và trong 1 ngày, Nó tìm được mặt bằng ưng ý, trả nhà, dọn đồ và lúc 9h tối cùng ngày, mọi thứ đã về đầy đủ cơ sở mới.

Tình yêu ẩm thực kết hợp với kinh nghiệm Tôm Hùm mà Nó được dạy và học; tình yêu chung về văn hóa và thức ăn ngon đã tạo ra một kết nối ngay giữa Nó và hai bạn nhân viên nữa. Một người Nó đào tạo lên bếp chính và một người là hậu cần kiêm Admin luôn.

Hình 16: Team BETOM mùa Covid

Rồi Nó nghiên cứu học hỏi thêm 2 món nữa là cháo và Tôm Hùm nướng muối ớt, rồi Tôm Hùm cháy tỏi,….Và giờ thì bộ menu của Nó đã gần 16 món Tôm Hùm. Với mục tiêu là 38 món Tôm Hùm.

Quyết định đi tiếp ngày ấy, khi dịch đến đã cho Nó nhận nhiều hơn mất, bước chuyển mình từ đơn vị phân phối sỉ và lẻ tận dụng thời cơ mùa dịch mở rộng thêm nhánh take away Tôm Hùm các món tại nhà, và từ chỉ thị 16, 17 và 18 mỗi ngày Nó vẫn đều đơn lắm, đơn khách order về nhà ăn tẩm bổ, đơn quà tặng hỏi thăm sức khỏe, đơn con cái gửi cha mẹ khi cách ly, đơn chồng tẩm bổ cho mẹ bầu, và cả đơn tiệc sinh nhật tại gia nữa…. Nó và ekip BETOM thật sự quá đỗi vui mừng, có những ngày ngồi nhìn lại mà khóc luôn, khóc vì mệt, phải dậy từ 4h sáng đến 11h đêm mà; khóc vì vui vì dịch mà vẫn được bận rộn, được vất vả và được phục vụ khách, được khách tin, yêu, chọn và gửi gắm những lời yêu thương. Là hạnh phúc của BETOM, là tự hào của Nó và cả ekip.

Bé Tôm Phạm Phương Loan là ai

Và khi chỉ thị qua đi, Nó lại nhận được thêm rất nhiều sự ủng hộ từ các cơ quan, khách hàng doanh nghiệp tổ chức kỷ niệm ăn mừng tại văn phòng, hay ngày 20/10 tặng quà tri ân cho các chị em bằng các gói combo Tôm Hùm nướng,..và các đơn tiệc từ 8 triệu đến 25 triệu đã về từ 20/10,… và đó chính là tiền đề để BETOM tập trung và đẩy mạnh nhánh tiệc Tôm Hùm tại văn phòng, tại gia cho các thực khách nhà BETOM trong các ngày lễ, cuối tuần, đặc biệt giáng sinh , Tết Tây và tết Ta 2022.

Ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, khoảng thời gian Nó làm tour Guide cho Tây balo, và đặc biệt khoản thời gian Nó chuyên viên kinh doanh tại tập đoàn ô tô Avis (đơn vị cung ứng ô tô tại Hoa kỳ và hơn 150 quốc gia khác trên toàn cầu đã cho Nó giúp Nó nhận ra rằng chính thái độ phục vụ và uy tín làm nên tên tuổi của một thương hiệu.

Ra kinh doanh 2 năm, Nó gặp rất nhiều khách hàng, và cái may mắn lớn nhất Nó nhận được là các lời giới thiệu, các hình ảnh cùng những dòng feedback chân tình của khách hàng; ấy chính là động lực lớn nhất giúp Nó cày ngày cày đêm không biết mệt mỏi. Chính thái độ phục vụ tốt đã giúp Nó vẫn giữ được khách hàng, và hơn thế nữa Nó nhận được nhiều lời góp ý nhiệt tình từ các anh chị khách, em sửa chỗ này, em tham khảo thêm đơn vị này, em điều chỉnh chỗ này,…Và cứ thế ngày qua ngày Nó hoàn thiện từng chút một theo nhu cầu mong muốn và góp ý thiện chí từ khách nhà BETOM.

Và ở đây, sản phẩm và phân khúc mà BETOM đang phục vụ là theo cá nhân hóa từng khách hàng, là từ sản phẩm, món: cách trang trí, cách nêm gia vị, đến chiếc thiệp tay hay cả quà tặng tri ân khách hàng cũng là cá nhân hóa theo sở thích riêng biệt của từng vị khách đến với BETOM. Và đó dần dần đã làm nên BETOM, một đơn vị phân phối và chế biến Tôm Hùm Take Away khác, rất khác với các đơn vị cùng ngành.

Chị chưa thử Tôm Hùm của em, nhưng thấy cách em tư vấn và phục vụ rất ấm áp, chưa ăn mà thấy gần gũi rồi. Nếu Tôm Hùm bên em chất lượng, chị sẽ đặt nhiều và giới thiệu bạn chị cho em.” Đây là những dòng tin nhắn Nó nhận được từ chị Hoàng Anh tại Tòa Ruby 1- The SaiGon Pearl sau lần đầu chị đặt thử tại nhà BETOM cho các con chị, và sau đó chị đã đặt đám giỗ mẹ chị 25 phần ăn Tôm Hùm, sau đó nữa đã giới thiệu BETOM đến với em gái của chị.

Ra kinh doanh 2 năm rồi Nó mới hiểu được cảm giác hứng thú, đam mê chinh phục đến cùng cực, và cực mê cái cảm giác truyền tải thông điệp, sứ mệnh và mục tiêu của BETOM cho đối tác, cho các bạn nhân viên có cùng chí hướng, để các bạn biết mình làm việc mỗi ngày là vì những điều gì, và các bạn làm như vậy sẽ cho ra kết quả cuối cùng là gì. Nó muốn các bạn hiểu rằng các bạn chính là những mảnh ghép góp phần quan trọng tạo nên bức tranh tổng thể BETOM- để người người nhà nhà đều được thưởng thức Tôm Hùm Việt Nam. Và hơn hết là Nó muốn giữ các bạn thật sự có cùng chung chí hướng với nhau, để cộng tác cùng nhau, vì một mục tiêu chung, chứ không đơn giản chỉ dừng lại ở việc các bạn dành bao nhiêu thời gian cho BETOM, hay mỗi tháng BETOM chi trả cho các bạn khoảng thu nhập là bao nhiêu.

Mặc dù ở thời điểm những tháng đầu khởi nghiệp, thu nhập của Nó rất thấp, đến khi có nhân viên vào thì ngân sách của Nó lại càng hạn hẹp hơn, hầu bao của Nó không còn rủng rỉnh nữa. Có tháng phải cầm xe và laptop, thậm chí cả nữ trang mà mẹ tặng nó trước khi xa nhà nữa; Tiền không dư, nhưng cái Nó nhận về là niềm tự hào mỗi đêm về BETOM hôm nay đi được bao xa, là cái cơ ngơi của một doanh nghiệp mà chỉ nghĩ đến thôi là “oách” hẳn so với chiếc ghế tại công ty tập đoàn đa quốc gia như Avis hay chiếc ghế trợ lý giám đốc công ty xuất nhập khẩu cao su Việt Hà rồi. Chí ít thì Nó cảm thấy oách so với chính Nó, vì Nó dám chơi, dám bước khỏi vùng an toản, khỏi vỏ bọc an toàn của chiếc hộp 4 mặt, để được tự do vẫy vùng, tự do xây đế chế riêng cho chính Nó, để Nó đề ra luật chơi và chọn người tham gia cuộc chơi này.

Và Nó luôn nhận thức được rằng Nó là doanh nhân, doanh nhân trẻ bước chân vào hành trình khởi nghiệp đầy rẫy khó khăn và trăn trở, đặc biệt trong thời gian mà Covid bùng nổ như hiện nay.

Trước covid BETOM trong trạng thái đang xây dựng bộ khung kinh doanh, nền tảng Marketing, và nguồn lực thì có hạn nên khi tập trung Marketing thì Sale sẽ không có thời gian nhiều để tìm khách hàng mới và chăm sóc khách cũ. Lượng khách hàng chưa về nhiều, mà khách hàng có về thì cũng là khách hàng sỉ – mà sỉ lại dính đến công nợ. Nên không khả thi. Cả tháng trời đôi khi chỉ có lai rai vài đơn hàng khách lẻ mua tôm về nhà chế biến, mà tỉ lệ khách hàng quay lại thấp vì ngại chế biến tại nhà quá.

Chưa giải quyết xong vấn đề A, thì tình hình chung covid xuất hiện, nhà hàng, quán xá hàng loạt đóng cửa, Người người chi tiêu tiết kiệm lại,… Và lúc này sự cô đơn, Sợ, và chênh vênh đã xâm chiếm tâm trí, thường trú tại nơi Nó đang ngự trị. Cơ duyên gặp vị sếp đầu tiên năm 18 tuổi, nơi Nó được Sếp Nguyễn Bảo Trung- hiện đang làm giám đốc kinh doanh ngân hàng TP Bank chi nhánh phía Nam hướng dẫn, truyền kỹ năng bán hàng, kĩ năng chăm sóc khách hàng và đặc biệt là khả năng kiểm soát mọi việc, ứng biến linh hoạt trong mọi tình huống, và khi mọi việc không theo ý mình thì ứng phó làm sao. Và hành trình đó đã định hướng tư duy cho Nó về chiến lược, giữ chân khách hàng, và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ thống chăm sóc khách hàng cá nhân hóa là như thế nào.

Và sứ mệnh của cuộc đời Nó là mang Tôm Hùm Việt Nam cho người Việt Nam thưởng thức, để cảm nhận được hết nét đẹp văn hóa ẩm thực của Việt Nam được tạo bởi chính con người Việt Nam; và hơn hết là đưa Tôm Hùm Việt Nam vượt vạn dặm, đưa ẩm thực tinh túy- cái gọi là Vua của thế giới hải sản tại Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế, để mọi người được biết đến Tôm Hùm bông, Tôm Hùm xanh của Việt Nam tươi ngon, dai săn chắc trên từng thớ thịt là như thế nào.

BETOM – Tôm Hùm của mọi nhà, để người người nhà nhà đều được thưởng thức tôm hùm Việt Nam ngay chính tại không gian ấm áp của nhà mình.

Mỗi ngày trôi qua, Tôm cố gắng sống thật trọn vẹn với 24 giờ mỗi ngày. Nó luôn trân trọng và sống thật tốt ở khoảnh khắc hiện tại. Và trên con đường Nó luôn mạnh dạn bước vào cánh cửa mới để học hỏi, để xây dựng mình ở phiên bản tốt hơn. Thay vì chọn làm bản sao thứ Hai của ai đó, Nó cố gắng thêm chút nữa để làm phiên bản duy nhất của chính mình.

“Tuổi trẻ nào cũng ngông cuồng như nhau cả, chẳng ai được bình yên đâu. Nhưng thà trải qua bão tố rồi trưởng thành còn hơn khi lớn xác mà chẳng biết mùi vị đắng cay của cuộc đời.”

Và mình là Phương Loan cô gái đến từ Cam Ranh- vùng đất đầy nắng và gió quyết giành trọn vẹn cả tuổi thanh xuân cho hai chữ Tôm Hùm.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                Phạm Phương Loan                                                                                                                                                                                      CEO & Founder Tôm Hùm BETOM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *